Với đề xuất trên, những tài xế ô tô vi phạm luật giao thông trong thời gian tới có thể bị trừ điểm vào bằng lái.
Ngày 24/9, Cục phó Cảnh sát giao thông – đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay, Cục CSGT đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật giao thông đường bộ. Điểm mới trong lần sửa đổi này là áp dụng việc trừ điểm vào GPLX nếu tài xế vi phạm luật giao thông.
Cục CSGT đề xuất trừ điểm vào GPLX nếu tài xế phạm luật giao thông
Đại tá Bình chia sẻ thêm, hiện tại các tài xế vi phạm luật giao thông đang áp dụng các khung xử phạt hành chính. Các trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, người điều khiển phương tiện chỉ bị phạt tiền và được nhận lại bằng lái sau khi nộp phạt. Tuy nhiên, đây là biện pháp đi ngược lại xu hướng phát triển của thế giới. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, nếu tài xế vi phạm luật giao thông có nồng độ cồn trong máu sẽ bị trừ 6 trong tổng số 12 điểm, đồng thời bị cảnh cáo. Trường hợp có nồng độ cồn và gây thêm lỗi nghiêm trọng sẽ bị trừ hết điểm, buộc tài xế phải thi lại bằng lái.
Bên cạnh đó, Cục phó CSGT nhận định: “Việc phạt hành chính khiến người vi phạm giao thông nhờn luật“. Nhưng nếu áp dụng việc trừ điểm vào GPLX sẽ làm họ có ý thức hạn chế các hành vi tiêu cực, đây là biện pháp có tính răn đe, giúp người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông, giảm tai nạn.
Để áp dụng việc trừ điểm vào bằng lái, Cục CSGT phải sửa đổi lại luật giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về GPLX trên cả nước. Trong quá trình xử lý vi phạm, CSGT chỉ cần thực hiện việc tra tên và trừ điểm tài xế vi phạm ngay trên hệ thống.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ – nguyên tổ trưởng tổ xử lý vi phạm, đội CSGT số 1 (Hà Nội) cũng tỏ ra đồng tình với đề xuất trên. Ông cho hay, biện pháp trừ điểm sẽ trở thành căn cứ để xác định tài xế đã vi phạm bao nhiêu lần, vi phạm ở đâu, từ đó, cơ quan chức năng nắm được các thông tin và áp dụng các biện pháp cần thiết.
“Hiện tại, việc xử lý vi phạm giao thông bằng xử phạt tài chính vẫn không đủ sức răn đe. Ngoài ra, nhiều tài xế vi phạm đã bỏ lại GPLX, cố tình không nộp phạt bởi họ có thể làm lại bằng mới dễ dàng”, ông Qũy phân tích.