Phạt nguội và ý thức tự giác khi tham gia giao thông

Sau khi hàng loạt người dùng ô tô ở TP. Hồ Chí Minh nhận được hàng loạt giấy báo nộp phạt nguội vi phạm giao thông lại làm dấy lên câu chuyện về ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông.

Theo phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt (PC 67) Công an TP Hồ Chí Minh, từ ngày 16/11/2016 – 31/07/2017, đơn vị này đã trích xuất hoàn thiện 33.403 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có 32.922 trường hợp ô tô và 481 trường hợp mô tô , xe máy. Cũng theo đó, PC 67 đã xử lý 14.411 trường hợp.

Trong đó có những trường hợp một phương tiện vi phạm nhiều lần và số tiền phạt lên đến cả trăm triệu đồng:

  • Xe ô tô mang BKS: 14A – 130.23 từ ngày 22/11/2016 – 25/7/2017 vi phạm 23 lần, trong đó có 22 lần vi phạm đỗ xe nơi có biển “cấm đỗ xe” ở đường Hàm Nghi (Q. 1), 1 lần chạy quá tốc độ khi qua hầm sông Sài Gòn.
  • Xe ô tô BKS: 50Z – 2729 vi phạm 45 lần chạy quá tốc độ khi lưu thông qua hầm vượt sông Sài Gòn. Xe ô tô BKS: 29A – 782.88 vi phạm 8 lần. Cụ thể, từ ngày 12/6 – 18/10/2016 xe này đã vi phạm chạy quá tốc độ khi qua hầm sông Sài Gòn.
  • Xe ô tô BKS: 30S – 0874 từ ngày 8/3 – 13/9/2017, vi phạm tới 29 lần lỗi đỗ xe nơi có biển “cấm đỗ xe” ở đường Nguyễn Cư Trinh (Q. 1). Xe 38A – 055.20 18 lần vi phạm lỗi đỗ xe nơi cấm đỗ ở đường Hàm Nghi…

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình trong tổng số vô cùng nhiều trường hợp vi phạm giao thông dẫn đến bị phạt nguội. Thậm chí, có người sở hữu chiếc xe chỉ có giá trị khoảng 300 triệu nhưng nhận giấy báo phạt nguội lên đến 148 triệu đồng cho 49 lần vi phạm.

Phạt nguội và ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông...

Phạt nguội và ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông

Nói cho cùng thì các công cụ, các luật lệ về giao thông đều sinh ra nhằm để tạo ra sự trật tự, sự an toàn khi tham gia giao thông đối với toàn xã hội. Và nếu mỗi người đều có ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông thì sẽ chẳng cần có phương thức hay phương tiện phạt nguội nào ra đời. Như vậy, gốc rễ của vấn đề chính là ở ý thức của người tham gia giao thông.

Không quá khi nói rằng Việt Nam là một trong những đất nước có giao thông hết sức hỗn loạn. Hình ảnh người người vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường hay chạy quá tốc độ xảy ra một cách hết sức quen thuộc.

Ai cũng mơ những cung đường phố với giao thông thẳng tắp và chẳng mấy khi xảy ra tắc đường tựa như một số quốc gia phát triển nhưng một bộ phận lớn người tham gia giao thông lại có ý thức tự giác quá kém.

Hình ảnh vượt đèn đỏ xảy ra khá phổ biến tại đường phố Việt Nam...

Hình ảnh vượt đèn đỏ xảy ra khá phổ biến tại đường phố Việt Nam

Có thể thấy ở trên, rất nhiều trường hợp một phương tiện vi phạm cùng một lỗi nhiều lần hoặc liên tục vi phạm nhiều lỗi khác nhau dẫn đến bị phạt nguội. Phải chăng, một bộ phận lớn người tham gia giao thông tại Việt Nam điều khiển xe theo kiểu “tùy hứng” và trong tâm thức vẫn chưa ý thức được về văn hóa giao thông, về trật tự an toàn xã hội cũng như sự văn minh của chính mình.

Và kết quả là tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra, thế hệ đi trước trở thành tấm gương ảnh hưởng đến thế hệ sau và rồi đường phố Việt Nam nhìn chung vẫn hỗn loạn. Hình ảnh bố mẹ, ông bà đưa con, cháu đi học, đi chơi nhưng lại vượt đèn đỏ, không tuân thủ đúng luật lệ giao thông. Điều này tự nhiên gieo vào ánh mắt những đứa trẻ đang trong thời kỳ học hỏi, bắt chước những thói quen xấu, ý thức không tốt khi tham giao giao thông và gián tiếp ảnh hưởng đến văn hóa giao thông của thế hệ tương lai.

Sẽ chẳng có giấy báo phạt nguội nào cả, số lượng vụ tai nạn giao thông sẽ giảm xuống nếu mỗi chúng ta đều tự giác chấp hành luật lệ giao thông, tự giác ý thức khi tham gia giao thông để cùng xây dựng một xã hội văn minh.