Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh đã gửi lên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề án 36 giải pháp giảm thiểu tình trạng tắc đường, trong đó có đề xuất thu phí xe ô tô và cấm xe máy đi vào trung tâm thành phố.
Tin tức pháp luật cho biết, nhằm mục đích giải quyết tình trạng kẹt xe, tắc đường tại Tp.Hồ Chí Minh, đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông đã được Sở Giao thông Vận tải thành phố gửi lên Ủy ban MTTQ Việt Nam. Đề án bao gồm 36 giải pháp được sắp xết theo nhóm, thứ tự ưu tiên kèm theo nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện.
Ô tô bị thu phí, xe máy bị cấm khi vào trung tâm TP.Hồ Chí Minh?
Trong đó, nhiều giải pháp về kiểm soát phương tiện cá nhân được đề xuất như: bổ sung phí ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại thuế, phí với đối tượng thu là xe ô tô vào nội đô. Mức phí này có thể sẽ được áp dụng trong giai đoạn 2021-2025; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô, xe máy. Từ đó, các phương tiện giao thông sẽ bị quy định hạn chế vùng hoạt động và phải nộp phí môi trường.
Thành phố này cũng sẽ hạn chế lượng xe ô tô đăng ký mới, xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình; rà soát chủng loại xe máy để đề xuất biện pháp xử lý xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca nhằm giảm bớt lưu lượng giao thông giờ cao điểm…
Việc hạn chế lưu thông của xe máy, ô tô này sẽ được thực hiện theo lộ trình, từ trung tâm thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Sau đó sẽ được mở rộng sang các khu vực lân cận khi hạ tầng giao thông và các phương tiện công cộng phát triển. Nếu đề án này được thông qua thì thành phố sẽ hạn chế và cấm ô tô, xe máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm như: quận 1, 3, 5, 10, Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… theo giai đoạn từ 2025-2030.
Do đó, trước khi thành phố thực hiện đề án hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, các điều kiện cần phải đạt được trước như: hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe máy điện công cộng để kết nối với hoạt động vận tải hành khách công cộng, cự ly tiếp cận trung bình của hành khách dưới 500 m.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết: “Sắp tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức phản biện, sau đó UBND thành phố sẽ trình Thường trực Thành ủy. Ngoài ra, một số nội dung phải thông qua HĐND do liên quan đến phí”. Điều này nhằm đảm bảo hạn chế các hệ luỵ xảy ra từ việc áp dụng đề án giảm thiểu tình trạng tắc đường.
Nếu được áp dụng, đề án này sẽ được thực theo 3 giai đoạn: từ nay đến 2020, 2021-2025 và 2026-2030. Đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng thành phố cần đạt được từ 29,3 đến 36,8%. Hơn nữa, lượng người sử dụng phương tiện công cộng tăng lên thì lượng người sử dụng phương tiện cá nhân mới giảm được.
Nguồn ngân sách để thực hiện dự án sẽ được ưu tiên trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ứng với khoảng 52.550 tỷ đồng. Còn các nguồn lực khác từ xã hội hoá đầu tư hoặc vốn ODA sẽ phát triển các tuyến vận tải hành hành khách khối lượng lớn, hệ thống thu phí ô tô cá nhân vào trung tâm… khoảng 323.000 tỷ đồng.