Mở cửa xe gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi mở cửa ô tô gây tai nạn ngoài hình phạt tước giấy phép lái xe còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người khác.

Tin tức pháp luật xe ô tô cho biết, tại điểm đ, Khoản 3, Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ Việt Nam quy định: người ngồi trong xe ô tô không được mở cửa xe, để xe mở cửa hoặc bước xuống xe khi chưa đủ điều kiện an toàn. Nếu hành động mở cửa xe mà gây ra hậu quả sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Mở cửa xe gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Mở cửa xe gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Cụ thể, Điểm g, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ban hành ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với người điều khiển xe mở cửa không an toàn sẽ bị phạt từ 300-400 nghìn đồng.

Trong trường hợp tài xế mở cửa xe mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời gian từ 2-4 tháng.

Hơn nữa, tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn quy định rõ, nếu hành vi gây tai nạn giao thông khi mở cửa còn để lại hậu quả thiệt hại đến tình trạng sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người khác thì người đó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mở cửa xe gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự2a

Theo đó, Điều 260 quy định, người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông gây ra các thiệt hại nghiêm trọng như: làm chết người, gây thương tích 1 người từ 61% trở lên; làm bị thương 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản lớn thì người điều khiển sẽ bị phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp tài xế khiến nhiều người bị chết hoặc bị thương nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản với giá trị hơn 1,5 tỷ động sẽ bị phạt tù, mức cao nhất là 15 năm tù giam.

Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do vụ tai nạn gây ra cũng được thực hiện theo Bộ luật dân sự 2015 đã quy định.

Như vậy có thể thấy, việc mở cửa xe ô tô tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nếu không cẩn thận chúng ta sẽ vô tình làm hại đến người khác. Trong khi đó, về phía người gây nạn cũng phải vất vả, khổ sở trong việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, kém may mắn hơn là rơi vào vòng lao lý. Chính vì vậy, khi đã ngồi lên xe ô tô, mỗi người chúng ta nên có ý thức lái xe cẩn thận, mở cửa xuống xe an toàn cho cả bản thân và những người xung quanh.