Nếu để “công cụ hỗ trợ” trên ô tô, xe máy mà không có giấy phép thì người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng và bị tịch thu phương tiện vận chuyển, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
1.Công cụ hỗ trợ là gì?
Đi chơi Tết, để “công cụ hỗ trợ” phòng thân trên xe ô tô có bị phạt?
Theo tin tức pháp luật, công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
Tại Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ có hiệu lực ngày 01/07/2018 quy định về các công cụ hỗ trợ gồm có:
- Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
- Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
- Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
- Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
- Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
2.Để công cụ hỗ trợ trong xe bị phạt như thế nào?
Có nhiều người nghĩ rằng, việc họ mang, để các công cụ hỗ trợ trên ô tô, xe máy chỉ nhằm mục đích tự vệ khi không may gặp cướp, du côn,…Tuy nhiên, theo Luật Việt Nam thì đây lại là hành vi tàng trữ vũ khí trái phép và khi bị phát hiện bạn sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí là bị tạm giữ phương tiện, tịch thu vũ khí.
Cụ thể, tại Điều 8, 9 Thông tư 58/2015/TT-BCA có quy định về quyền hạn, đối tượng tuần tra, kiểm soát của cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thì cảnh sát cơ động có quyền kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh, trật tự. Các chiến sĩ cảnh sát cơ động sẽ có nhiệm vụ đi tuần tra, kiểm soát vào thời điểm sau 22h đêm và họ có quyền được kiểm tra hành chính, giấy tờ của chủ xe.
Trong trường hợp nếu cơ động phát hiện thấy trên xe của bạn có chứa “dụng cụ hỗ trợ” tương ứng với các đồ vật đã nêu ở trong phần 1 thì bạn sẽ phải cung cấp giấy phép sử dụng công cụ hoặc giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tất nhiên, nếu bạn không xuất trình được một trong hai loại giấy tờ trên thì cảnh sát cơ động có quyền lập biên bản về hành vi vi phạm tàng trữ dụng cụ hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình về tội tàng trữ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Ngoài bị phạt hành chính, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nói cụ thể hơn tức là dụng cụ hỗ trợ bạn để trên xe và chiếc xe ô tô mà bạn chở nó.
Trong đó, việc tạm giữ tang vật, phương tiện xe ô tô có để dụng cụ hỗ trợ chỉ được áp dụng trong những trường hợp cần thiết được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, nếu thuộc các trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện theo quy định thì thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện nhiều nhất có thể là 60 ngày. Vì thế, cần phải căn cứ vụ việc hành chính đơn giản hay phức tạp, từ đó xác định được thời hạn tạm giữ, tang vật cần thiết để phục vụ việc giải quyết vụ việc.
Do đó, tài xế không nên để trong xe các công cụ hỗ trợ nằm trong danh sách cấm như trên để tránh bị các cơ quan công an, lực lượng cảnh sát cơ động có quyền kiểm tra tuýt còi “hỏi thăm”. Nếu cần thiết để tự vệ cho bản thân khi đi đêm, đi đường vắng một mình, lái xe có thể chuẩn bị các vật dụng khác không vi phạm pháp luật và đảm bảo an toàn cho bản thân.