Động cơ xe bị yếu đi là tình trạng thường thấy ở xe hơi sau nhiều năm sử dụng, vậy nên làm sao để giảm bớt và ngăn chặn các nguy cơ này?
Ô tô máy yếu, rung cần số – Làm sao giải quyết?
Bất cứ ô tô nào sau một thời gian dài sử dụng đều sẽ dẫn đến cảm giác xe bị yếu đi, hoạt động không thể nhanh nhạy như ban đầu. Lúc này, các tài xế sẽ cần chi ra một khoản khá lớn để bảo dưỡng hay thậm chí là làm mới chiếc xe. Thực tế, động cơ xe yếu đi thể hiện ở rất nhiều chi tiết, càng để lâu càng khó cứu vãn. Nếu một thời gian dài mà bạn không trùng tu lại chiếc xe sẽ khiến độ bền của xe giảm không phanh, dễ hỏng hóc, thậm chí có nhiều chi tiết sau nhiều năm quá mòn phải thay thế vô cùng đắt đỏ. Có nhiều trường hợp, động cơ yếu có thể trực tiếp khiến xe chết máy, gây tai nạn bất ngờ, ảnh hưởng đến tính mạng chủ xe.
Được biết, ở các mẫu xe đời cũ thì bộ chế hòa khí và hệ thống bơm nhiên liệu là 2 chi tiết ảnh hưởng lớn nhất tới độ mạnh yếu của chiếc xe. Trong các trường hợp như tắc xăng hay đường khí nạp thì động cơ cũng sẽ yếu dần. Ở xe đời mới thì các nhà sản xuất ô tô đã chú trọng hơn đến chi tiết này và chuyển sang điều kiện nạp bằng các chức năng điện tử, giúp giảm bớt các nguy cơ động cơ hao mòn trên xe đời cũ.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng vấn đề động cơ yếu sẽ gây nên rất nhiều hậu quả, vậy làm sao để nhận biết được động cơ đang “kêu cứu” và làm sao giải quyết vấn đề này?
Các biểu hiện của động cơ ô tô yếu:
Máy yếu khiến ô tô leo dốc khó khăn hơn
– Tăng tốc khó: Biểu hiện đầu tiên của việc động cơ xuống cấp chính là tăng tốc khó, bạn sẽ cảm thấy xe hay bị giật khi tăng tốc. Dĩ nhiên, nếu bị giật lâu ngày thì bạn nên cân nhắc kiểm tra cả động cơ lẫn cần số của xe.
– Vô-lăng và cần số xe rung lắc: Nhiều khách hàng than phiền rằng các mẫu xe lâu năm thường cho cảm giác rung lắc vô-lăng và cần số rất mạnh, đặc biệt là khi leo dốc. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi áp lực lên động cơ lớn trong khi động cơ không tải nổi thì sẽ biểu hiện ra ngoài theo độ rung.
– Khó leo dốc: Leo dốc là một trong những vận động khó khăn với tất cả các loại máy xe, vậy nên động cơ yếu thì leo dốc càng khó.
– Dễ chết máy: Trong trường hợp động cơ không tải nổi nhu cầu người lái do quá yếu thì chết máy là biểu hiện rõ ràng nhất. Nếu xe của bạn thường xuyên chết máy không lí do thì 90% là do kim phun xăng gặp vấn đề hoặc động cơ quá yếu.
Nguyên nhân
Động cơ ô tô yếu đi có thể do nhiều lí do. Nếu như xe của bạn rung, mất lực, có cảm giác máy rất yếu, cần số rung lắc, tăng tốc gặp vấn đề hay nghiêm trọng hơn khí xả có lẫn mùi “xăng sống” thì có thể nguyên nhân là do xy-lanh động cơ xe không hoạt động, trong thuật ngữ của người có kinh nghiệm bảo dưỡng xe hơi là tình trạng bỏ máy.
Tình trạng này thường do nhiều yếu tố gây nên như: Hệ thống đánh lửa và cấp nhiên liệu vào xy-lanh xảy ra vấn đề hoặc không đủ tỷ suất nén. Trong điều kiện này, bạn cần tìm cách chẩn đoán xem xy-lanh có đang hoạt động bình thường không bằng cách tháo lần lượt đường cao áp khỏi bugi và quan sất độ rung của máy khi nổ. Nếu xy-lanh gặp vấn đề thì động cơ khi nổ máy sẽ bị rung mạnh bất bình thường. Bạn hãy tháo dây cao áp (dây nối bugi) của từng xy-lanh và tiếp tục nhìn kĩ, nếu rút dây rồi mà động cơ giật nhẹ thì chứng tỏ động cơ bình thường còn nếu rung giật mạnh như khi chưa rút dây cao áp thì chứng tỏ xy-lanh có vấn đề.
Kiểm tra bugi để tìm ra nguyên nhân động cơ yếu dần
Dù vậy, bạn vẫn cần biết rằng việc tự tháo lắp dây cao áp khi động cơ đang chạy là vô cùng nhiều nguy cơ, có thể khiến người tháo bị giật. Vậy nên khi tháo bạn cần chắc chắn mình đã mang các đồ bảo hộ như găng cao su và đầu dây không được chạm vào kim loại. Cẩn thận hơn thì bạn có thể tắt động cơ, tháo các đầu dây xong mới khởi động lại và quan sát.
Trong trường hợp lỗi xuất phát từ bugi hay dây cao áp thì chủ xe có thể xem xét và tự sửa nếu có hiểu biết nhất định, dĩ nhiên bạn cần đặc biệt tuân thu các vấn đề an toàn khi mở máy xe ra. Còn nếu nguyên nhân không phải do bugi hay dây cao áp thì xe cần đưa đến các gara sửa chữa hoặc trung tâm bảo hành để kịp thời phát hiện và sửa chữa. Cần chú ý rằng nếu phát hiện nguyên nhân hoặc biểu hiện của chiếc xe kì lạ ngoài tầm hiểu biết thì bạn không nên cố đấm ăn xôi mở máy sửa chữa.
Các phương án khắc phục
Thay lọc gió
Lọc gió bị bẩn hoặc hỏng sẽ khiến cho oxy không vào đủ buồng đốt, giống như 1 cơ thể không thể hít khí vậy, rất nhanh chóng khiến động cơ yếu đi. Trường hợp này thường xảy ra khi đi xe ở các khu vực thành thị nhiều khói bụi và ô nhiễm. Cách giải quyết là bạn phải vệ sinh lọc gió từ 3-6 tháng/lần và nên thay lọc gió theo chu kì mà nhà sản xuất khuyến cáo khi mua xe.
Bảo dưỡng xe thường xuyên
Dù với bất cứ mẫu xe nào thì “của bền tại người”, muốn cho động cơ xe bền bỉ, lâu dài, qua vài năm vẫn chạy tốt thì bạn cần bảo dưỡng xe định kì theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Dĩ nhiên, bạn cũng nên chọn lựa các gara thực sự uy tín, chất lượng để tránh các trường hợp đánh tráo phụ kiện.
Kiểm tra lọc nguyên liệu
Như đã nói, một khi động cơ xe đã bị yếu thì tình trạng leo dốc của xe sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân của việc này đôi khi đến từ việc bộ lọc xăng của xe không được vệ sinh, lắng cặn bẩn với kích thước 1/1000 inch. Các cặn này làm bo bơm xăng bị tắc và động cơ xe phải hoạt động cố sức hơn để bù vào lượng nguyên liệu thiếu hụt.
Cần kiểm tra và vệ sinh lọc xăng để tránh động cơ xuống cấp
Để giải quyết tình trạng này thì bạn nên kiểm tra lọc nhiên liệu thường xuyên cũng như tìm cách vệ sinh nó. Ngoài lọc nhiên liệu thì bạn cũng nên chú ý đến các bình nhiên liệu xem có bị đóng cặn hay không.
Cẩn thận xăng “bẩn”
Thực tế, việc lọc xăng hay bình chứa nhiên liệu bẩn dẫn đến động cơ yếu là một trường hợp rất dễ xảy ra. Bởi lẽ khu vực này là nơi tiếp nhận xăng, bởi vậy mà nếu xăng không sạch, lẫn tạp chất thì đây chính là liều thuốc độc mãn tính đối với động cơ. Trong điều kiện ngày càng nhiều các cây xăng mọc lên và không chắc chắn về chất lượng của chúng thì bạn nên chú ý chỉ đổ ở những cây xăng uy tín, có chất lượng được chứng thực qua nhiều khách hàng.