Vào những ngày Tết, mọi người không tránh khỏi việc uống rượu bia để chung vui cùng bạn bè, người thân. Thông thường, người vi phạm nghĩ rằng uống nhiều rượu bia mới có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Song, theo thiết bị đo nồng độ cồn thì người uống ít vẫn có thể bị phạt.
Đối tượng bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 26/2014/ TTLT-BYT-BCA về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, những trường hợp bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bao gồm:
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất cồn được cán bộ công an làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có liên qua đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện hành.
Mức phạt quy định đối với người điều khiển ô tô có uống rượu, bia
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô:
– Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 6, Điều 5). Hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (theo Điểm b, Khoản 12, Điều 5).
– Phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg – 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở (theo Điểm b, Khoản 8, Điều 5). Hình phạt bổ sung tước GPLX từ 3 đến 5 tháng (theo Điểm d, Khoản 12, Điều 5).
– Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 9, Điều 5), hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ (theo Điểm b, Khoản 9, Điều 5). Hình phạt bổ sung tước GPLX từ 4 đến 6 tháng (theo Điểm b, Khoản 9, Điều 5).
Được biết, một người có cân nặng khoảng 60kg chỉ cần uống 21g cồn (tương đương 65 ml rượu 40 độ, bằng chén rượu trung bình chúng ta hay uống) thì sau nửa tiếng, nồng độ cồn có thể đạt đến 50 mg/100 ml máu. Vì vậy, theo ước lượng thông thường, chúng ta chỉ uống một chén rượu hoặc nửa lít bia, lượng cồn trong máu có khả năng vượt quá mức tối thiểu 50 mg/100 ml máu. Khi lái ô tô trên đường, người lái đã có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng trở lên.
Mong rằng những thông tin PjicoSaigon.vn chia sẻ sẽ giúp mọi người cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông, nhằm đem lại chuyến du xuân an toàn và vui vẻ.
- Xem thêm:Tổng hợp các mức phạt dưới 6 triệu đồng mà lái xe ô tô cần ghi nhớ