Cầm vô-lăng thấp, hay đánh bóng lốp, dùng xăng đắt tiền… đều là những hành động “tưởng không hại mà hại không tưởng” của tài mới.
1. Cầm vô-lăng quá thấp
Theo những bác tài có kinh nghiệm lái xe ô tô lâu năm, vị trí cầm vô-lăng tốt nhất là tay trái cầm trong khoảng vị trí 7-9 giờ, tay phải ở vị trí 2-5 giờ. Nếu người lái đặt tay quá thấp thì khi gặp sự cố rất dễ bị gãy tay vì đụng túi khí bung mạnh.
Cầm vô-lăng thấp sẽ khiến bạn dễ bị chấn thương khi bung túi khí
2. Trả số về N khi dừng đèn đỏ (với xe số tự động)
Nếu đổi số từ N sang D rồi đạp chân ga khi đèn xanh bật thì rất dễ bào mòn hộp số và hệ truyền động. Vậy nên nếu ai hay đổi số như trên thì nên chạy xe số sàn, thay vì số tự động. Ngoài ra, cần chú ý là nếu chuyển về số D khi dừng đèn thì sẽ hạn chế tốn nhiên liệu.
Khi chờ đèn đỏ, bạn nên chuyển số về D
3. Thường xuyên đánh bóng lốp xe và bảng điều khiển
Đôi khi, việc đánh bóng xe quá nhiều sẽ gây ra một số tác dụng phụ. Cụ thể là có thể khiến bảng điều khiển xe trở nên chói mắt, đồng thời hóa chất trong sáp có thể khiến khu vực này bị lão hóa. Bên cạnh đó, sáp bóng cũng khiến lốp xe bị mất lớp bảo vệ cao su, khiến lốp dễ nứt. Đây chính là lí do các hãng xe thường sản xuất bảng điều khiển bằng vật liệu bóng mờ để tránh chói mắt. Lời khuyên là bạn chỉ nên vệ sinh bảng điều khiển bằng khăn ướt cũng như cọ lốp bằng xà phòng, bàn chải mềm và nước sạch.
Đánh bóng lốp quá thường xuyên đôi khi cũng không phải điều tốt
4. Thay dầu nhờn quá sớm
Thông thường, việc thay dầu nên được thực hiện khi xe đạt mốc 4.800 km, tuy nhiên từ các lần sau bạn nên thay mỗi 12.000 km/lần. Việc thay dầu sớm dĩ nhiên không khiến xe bị hỏng nhưng lại khiến bạn tốn bộn tiền và thời gian. Đặc biệt là khi xe đời mới thường yêu cầu thay dầu mỗi 12.000 km. Thậm chí, có một số hãng dầu thậm chí còn khuyến cáo chỉ nên thay sau 24.000 km. Vậy nên, tốt nhất là bạn nên thay dầu theo yêu cầu từ nhà sản xuất xe.
Việc thay dầu nhờn cần tuân thủ quy định của nhà sản xuất
5. Nói chuyện điện thoại qua tai nghe
Trước đây, việc vừa cầm điện thoại vừa lái xe không được ưa thích cho lắm, lại rất dễ bị công an phạt tiền nếu phát hiện. Vậy nên nhiều tài xế chuyển qua dùng tai nghe, trông vừa sành điệu vừa an toàn hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tác hại của việc vừa cầm vừa nghe hay dùng tay nghe cũng không khác nhau mấy, vì tựu chung đó vẫn là sử dụng điện thoại khi lái xe.
Việc dùng điện thoại chính là nguyên nhân gây ra 25% số lượng tai nạn giao thông tại Mỹ. Điểm đáng chú ý là hầu hết tài xế đều không cầm điện thoại trên tay nhưng họ vẫn bị phân tâm, vậy nên sự xuất hiện của tai nghe ở đây gần như chẳng giúp ích được gì cả.
Dùng tai nghe khi lái xe không kém nguy hiểm hơn
6. Sử dụng xăng cao cấp
Đối với một số dòng xe có hệ số nén cao thì việc dùng xăng thường sẽ khiến xe bị kích nổ sớm và giảm công suất. Trong khi đó, nếu xe có hệ số nén thấp mà dùng xăng cao cấp thì tuy không hại nhưng cũng không tăng hiệu suất, chỉ tổ tốn tiền. Vậy nên, lời khuyên là bạn nên chọn đúng loại xăng cho đúng loại xe, tránh phung phí tiền bạc.
7. Không thắt dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau
Trước đó, đã có khá nhiều video cũng như cảnh báo về việc không thắt dây an toàn ở ghế sau sẽ nguy hiểm ra sao. Đặc biệt trong các tình huống xe bị lăn tròn, bạn có thể bị chấn thương nặng hoặc trở thành con thoi đập vào người ở ghế trước.
Không thắt dây an toàn cho ghế sau sẽ gây nguy hiểm khi gặp tai nạn